Trích đề thi HSG QG môn Địa lí THPT 2024-2025
Nguyên nhân suy giảm tài nguyên đất của nước ta
Biện pháp canh tác không hợp lí:
+ Trong nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở nước ta, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,…được người sản xuất sử dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng quá nhiều trong thời gian dài, không đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn đất. Hậu quả là sự tích tụ của hóa chất trong đất, sự mất cân bằng dinh dưỡng, giảm vi sinh vật có lợi, làm thoái hóa đất và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.

+ Bên cạnh đó, phương thức canh tác độc canh – hình thức trồng trọt khi chỉ trồng một/ một ít loại cây trên một diện tích rộng trong một khoảng thời gian dài sẽ làm cạn kiệt các dưỡng chất đặc thù mà cây đó cần, dẫn đến đất bị mất cân bằng dinh dưỡng.
Gia tăng chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt:
Các khu công nghiệp và đô thị lớn thường tạo ra khối lượng chất thải rắn và nước thải lớn. Khi các chất thải này không được xử lý đúng cách, chúng có thể thấm vào đất, gây ô nhiễm nặng nề. Từ đó, làm giảm độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng.
Suy giảm rừng, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu:
+ Suy giảm rừng: Rừng không chỉ giữ đất mà còn góp phần duy trì độ ẩm và chất dinh dưỡng cho đất. Sự tàn phá rừng do khai thác quá mức, thiên tai….đã làm mất đi “lá chắn” tự nhiên của đất, dẫn đến xói mòn và sạt lở.

+ Thiên tai và biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu gây ra mưa lớn bất thường, bão lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Điều này không chỉ làm trôi đi lớp đất canh tác mỏng mà còn thay đổi cấu trúc đất, giảm khả năng giữ nước và dinh dưỡng.
Lý do các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất có sự khác nhau giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng
Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất ở mỗi vùng:
+ Vùng đồi núi áp dụng phổ biến các biện pháp canh tác như: làm ruộng bậc thang,trồng cây theo băng, phát triển mô hình nông lâm kết hợp,…
+ Vùng đồng bằng: xây dựng công trình thủy lợi, sử dụng hợp lí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật,..
Nguyên nhân sự khác nhau về biện pháp bảo vệ đất mỗi vùng:
- Do khác nhau về đặc điểm địa hình, đất, phương thức sử dụng đất:
+ Địa hình: Vùng đồi núi có địa hình dốc, bị cắt xẻ việc tiến hành canh tác, cơ giới hóa sẽ gặp khó khăn, cần những biện pháp riêng cho vùng đất dốc. Trong khi đó, vùng đồng bằng có địa hình bằng phẳng, thấp nhưng có thể gặp phải các vấn đề về ngập úng và mất kiểm soát nguồn nước.
+ Đất: Mỗi vùng có loại đất khác nhau về thành phần hóa học, độ phì nhiêu và cấu trúc vật lý. Ví dụ, đất đồi núi thường nghèo dinh dưỡng và dễ bị biến đổi khí bị tác động của gió, mưa,…
+ Phương thức sử dụng đất: Cách thức canh tác và quản lí đất ở mỗi vùng có đặc thù riêng, phù hợp điều kiện tự nhiên và yêu cầu kinh tế xã hội ở từng khu vực. Ví dụ, vùng đồng bằng tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhưng cũng đối mặt với tình trạng canh tác cường độ cao và lạm dụng hóa chất.
- Do khác nhau về các quá trình thoái hóa đất:
Ở vùng đồi núi, quá trình thoái hóa đất chủ yếu là xói mòn, sạt lở và rửa trôi,…. Do địa hình dốc và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các hiện tượng này xảy ra nhanh chóng và làm mất đi lớp đất, đòi hỏi phải có các biện pháp bảo vệ đất phù hợp, giảm tốc độ thoái hóa đất.

Trong khi đó,ở vùng đồng bằng, một số vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và ô nhiễm do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lí. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất, làm giảm năng suất cây trồng.
Như vậy, sự khác biệt về địa hình, đặc điểm đất và phương thức sử dụng đất, cũng như các quá trình thoái hóa đất đặc trưng của từng vùng đã tạo ra những yêu cầu cụ thể cho các biện pháp bảo vệ đất. Các giải pháp này cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo hiệu quả bảo vệ tài nguyên đất và hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững.