Miền Bắc đang trong giai đoạn hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc. Sự xuất hiện của gió mùa Đông Bắc đã làm nền nhiệt hạ thấp. Trong một số bản tin dự báo thời tiết, các em có thể sẽ bắt gặp thuật ngữ “rét đậm, rét hại”.
Rét đậm, rét hại có gì khác nhau?
Thật ra việc phân biệt hai khái niệm này rất đơn giản, điểm khác nhau cơ bản nhất của chúng chính là nhiệt độ trung bình ngày, cụ thể:
– Trời lạnh là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 20 đến 22 độ C.
– Trời rét: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 15 đến 20 độ C.
– Rét đậm là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ C.
– Rét hại là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C.
Đây là hai hiện tượng chủ yếu được dùng cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Những thuật ngữ này không áp dụng đối với vùng núi (lý do là ở vùng núi, việc xảy ra hai hiện tượng này hầu như xảy ra suốt tháng thay vì từng đợt).
Thuật ngữ rét đậm, rét hại thường được sử dụng thế nào?
Thuật ngữ rét đậm, rét hại được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các nhà khoa học đã tính toán được rằng khi nhiệt độ trung bình ngày dưới ngưỡng rét đậm, rét hại sẽ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây lúa. Nếu rét đậm, rét hại xảy ra trong 1 ngày thì cây lúa vẫn có khả năng quang hợp và phát triển bình thường. Nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì cây lúa sẽ không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình dẫn đến không còn khả năng đề kháng và bị chết.
Một điều cần chú ý là nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và 13 độ C phải gắn với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ khi đó mới được coi là rét đậm, rét hại. Trong thực tế, vào những ngày trời quang mây về đêm nhiệt độ xuống rất thấp. Nhưng ban ngày trời nắng nhiệt độ lên rất cao, nhiệt độ trung bình ngày vẫn có thể dưới 15 độ C nhưng không được coi là rét đậm.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý!
________________________________________
Kết nối với thầy Tùng qua:
- Fanpage: Địa lí thầy Tùng
- Facebook: Tùng Đàm
- Group: Luyện thi THPT Quốc gia môn Địa thầy Tùng
- Youtube: Địa lí thầy Tùng
- Tiktok: @dialithaytung