Nguồn gốc: Áp cao Xi-bia.
Gió mùa Đông Bắc bản chất là khối không khí cực đới lục địa (NPc), xuất phát từ áp cao Xi-bia di chuyển xuống nước ta. Áp cao Xi-bia là một áp cao nhiệt lực hình thành theo mùa, rất lạnh và khô, nhiệt độ trung bình mùa đông xuống khoảng -15 đến -400C. Cao áp này xuất hiện từ tháng 9, tăng dần về khí áp và cực đại vào tháng 1, có thể làm lu mờ sự hoạt động của áp cao cận chí tuyến bán cầu Bắc.
Hướng gió: đông bắc
Do ảnh hưởng của lực Cô-ri-ô-lit, gió thổi từ áp cao Xi-bia xuống nước ta bị lệch hướng, trở thành gió thổi hướng đông bắc. Vì vậy, gió mùa mùa đông còn được gọi là gió mùa Đông Bắc.
Thời gian hoạt động:
– Tháng XI – IV năm sau
– Hoạt động trong thời gian mùa đông, từ tháng XI đến tháng IV năm sau.
– Song, thời gian bắt đầu và kết thúc hoạt động có thể thay đổi theo năm, có năm gió mùa Đông Bắc đến sớm, có năm đến muộn, có năm kết thúc sớm,…
Phạm vi hoạt động:
Hoạt động chủ yếu ở phần lãnh thổ phía Bắc (từ vĩ tuyến 160B trở ra). Khi di chuyển xuống phía Nam, gió bị biến tính và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã, chỉ có những đợt gió mùa Đông Bắc mạnh mới ảnh hưởng tới phần lãnh thổ phía Nam, tạo ra một số ngày mát mẻ.
Tính chất:
-Nhìn chung là lạnh, tuy nhiên tính chất không thuần nhất trong suốt mùa đông. Đầu mùa có tính chất lạnh khô, cuối mùa có tính chất lạnh ẩm. Khi di chuyển, gió mùa Đông Bắc cũng thay đổi tính chất, trở nên ấm và ẩm hơn.
– Không hoạt động liên tục trong suốt mùa đông mà chỉ hoạt động thành từng đợt. Đan xen là sự hoạt động mạnh lên của Tín phong bán cầu Bắc.
– Hoạt động thất thường.
Hoạt động của gió mùa Đông Bắc và tác động đến khí hậu các khu vực:
– Ở Bắc Bộ:
+ Gây ra một mùa đông lạnh cho Bắc Bộ, kéo dài 2-3 tháng, nhiệt độ hạ thấp dưới 200C, nhiều nơi xuống dưới 150C; miền núi cao xuất hiện sương muối, sương giá, băng tuyết,….
+ Gây ra một mùa đông có thời tiết không thuần nhất do gió mùa Đông Bắc có tính chất thay đổi trong mùa đông:
- Nửa đầu mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau), thổi qua lãnh thổ Trung Quốc mang lại cho miền Bắc thời tiết lạnh và khô, trời quang mây.
- Nửa cuối mùa đông (từ tháng 2 đến tháng 4), gió mùa Đông Bắc thổi lệch ra biển Nhật Bản, biển Hoa Đông,… Trước khi vào nước ta (do áp cao Xi-bia suy yếu, hạ áp A-lê-ut trên Thái Bình Dương mạnh lên hút gió), được tăng cường thêm nhiệt và ẩm, nó trở nên ẩm hơn và ấm hơn. Nên khi đến nước ta nó gây ra kiểu thời tiết lạnh, ẩm, trời âm u, có mưa phùn ở miền Bắc.
+ Trong mùa đông xuất hiện những ngày thời tiết nắng nóng, hanh khô; do gió mùa Đông Bắc hoạt động thành từng đợt, không liên tục, thất thường và xen kẽ với Tín phong bán cầu Bắc.
– Ở Trung Bộ:
+ Càng di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc càng bị biến tính, suy yếu dần và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã nên Bắc Trung Bộ có mùa đông bớt lạnh, đến Huế chỉ còn se lạnh, Nam Trung Bộ không có mùa đông lạnh.
+ Gió đông bắc (trong đó gồm gió mùa Đông Bắc) di chuyển qua biển, tương tác với địa hình dãy Trường Sơn vuông góc với hướng gió, gây ra mưa lớn cho sườn đón gió là Trung Bộ. Vì vậy, Trung Bộ có mưa lớn vào các tháng cuối năm.
– Ở Nam Bộ:
+ Hầu như không tác động đến Nam Bộ nên khu vực này không có mùa đông lạnh. Thời tiết nóng khô, ổn định suốt mùa, có mùa khô sâu sắc; do tác động chiếm ưu thế của Tín phong Bắc bán cầu tính chất khô nóng, ổn định.
Hoạt động của gió mùa Đông Bắc tác động đến sự phân hóa khí hậu:
– Gió mùa Đông Bắc khiến khí hậu (chế độ nhiệt, chế độ mưa) nước ta có sự phân hóa rõ nét, khác nhau giữa các địa phương trong mùa đông.
– Làm tăng cường sự phân hóa khí hậu theo chiều bắc – nam (giữa phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam) và theo chiều đông – tây (giữa Đông Bắc và Tây Bắc).
Dương Phương – Địa lí thầy Tùng.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý!
________________________________________
Kết nối với thầy Tùng qua:
- Fanpage: Địa lí thầy Tùng
- Facebook: Tùng Đàm
- Group: Luyện thi THPT Quốc gia môn Địa thầy Tùng
- Youtube: Địa lí thầy Tùng
- Tiktok: @dialithaytung