SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH
ĐỀ CHÍNH THỨC |
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn: ĐỊA LÍ Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1: (3,0 điểm)
a. So sánh và giải thích chế độ mưa của kiểu khí hậu xích đạo và kiểu khí hậu ôn đới hải dương.
b. Tại sao sự phân bố của các thành phần tự nhiên và cảnh quan tự nhiên vừa theo quy luật địa đới vừa theo quy luật phi địa đới?
Câu 2: (2,0 điểm)
a. Các nước đang phát triển gặp những khó khăn gì về mặt kinh tế – xã hội khi giải quyết vấn đề môi trường?
b. Tại sao dân cư, nguồn lao động được coi là nguồn lực quan trọng, quyết định việc sử dụng các nguồn lực khác cho phát triển kinh tế?
Câu 3: (3,0 điểm)
“Mặc dù gió mùa có làm đảo lộn sự ổn định của khí hậu vùng nội chí tuyến nhưng không xoá nổi tính chất nóng ẩm của khí hậu nước ta”. Em hãy làm rõ nhận định trên.
Câu 4: (3,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, so sánh đặc điểm sông ngòi giữa miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
b. Tại sao thủy chế sông ngòi nước ta theo mùa và có tính thất thường?
Câu 5: (3,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh và giải thích đặc điểm mạng lưới đô thị của Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Đông Nam Bộ.
b. Tại sao đô thị hóa bền vững trở thành mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của nước ta?
Câu 6: (3,0 điểm)
a.Cho bảng số liệu sau:
Tình hình phát triển ngành thủy sản nước ta giai đoạn 2000 – 2015
Năm | Giá trị sản xuất thủy sản (nghìn tỷ đồng) | Sản lượng thủy sản (nghìn tấn) | ||||
Tổng | Khai thác | Nuôi trồng | Tổng | Khai thác | Nuôi trồng | |
2000 | 38,7 | 22,9 | 15,8 | 2250,9 | 1660,9 | 590,0 |
2010 | 153,1 | 58,8 | 94,3 | 5142,7 | 2414,4 | 2728,3 |
2015 | 254,1 | 94,6 | 159,5 | 6582,1 | 3049,9 | 3532,2 |
(Niên giám thống kê 2016, NXB Thống kê 2017)
a. Nhận xét tình hình phát triển ngành thủy sản nước ta trong giai đoạn trên.
b. Tại sao trong phát triển ngành thủy sản nước ta phải đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ?
Câu 7: (3,0 điểm)
a. Tại sao nói việc phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển đảo có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta?
b. Tại sao vấn đề bảo vệ và phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ?
——————- HẾT ——————-
GỢI Ý TRẢ LỜI
Yêu cầu |
|
1.a) So sánh và giải thích chế độ mưa của kiểu khí hậu xích đạo và kiểu khí hậu ôn đới hải dương. | |
– Giống nhau: mưa quanh năm
– Khác nhau: + Kiểu khí hậu xích đạo có mưa lớn, đều quanh năm; + Kiểu khí hậu ôn đới hải dương có lượng mưa ít hơn và thất thường. – Giải thích: + Xích đạo mưa quanh năm, lớn, đều do đây là vùng có nhiệt độ cao quanh năm, kết hợp với diện tích đại dương lớn làm cho lượng mưa đối lưu nhiệt phát triển mạnh; do ảnh hưởng của áp thấp xích đạo, có dòng biển nóng, hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới với tầng ẩm dày. + Kiểu khí hậu ôn đới hải dương có mưa quanh năm, nhưng lượng mưa ít và thất thường hơn do vùng chịu ảnh hưởng của áp thấp ôn đới, gió Tây ôn đới, dòng biển nóng, frông ôn đới và frông cực hoạt động. Song các yếu tố gây mưa trên đều có diễn biến thất thường và sự diễn biến thất thường này đã dẫn đến sự thất thường trong chế độ mưa. |
|
b) Tại sao sự phân bố của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí tự nhiên vừa theo quy luật địa đới vừa theo quy luật phi địa đới? | |
– Các thành phần tự nhiên và các cảnh quan địa lí tự nhiên vừa chịu sự tác động của nguồn năng lượng bức xạ Mặt Trời, vừa chịu tác động của nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.
– Sự phân bố theo đới của năng lượng bức xạ mặt trời đã gây ra tính địa đới của nhiều thành phần và cảnh quan địa lí trên Trái Đất (các đới khí hậu, các thảm thực vật theo vĩ độ…); – Nguồn năng lượng bên trong của Trái Đất đã tạo nên sự phân chia bề mặt Trái Đất thành lục địa, đại dương và địa hình núi cao: + Sự phân bố đất liền, đại dương làm cho khí hậu ở lục địa phân hóa từ đông sang tây: càng vào trung tâm lục địa, tính chất lục địa càng tăng. Ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến làm cho khí hậu khác nhau theo chiều đông tây. + Địa hình núi cao tạo nên sự thay đổi của chế độ nhiệt ẩm theo độ cao -> làm các thành phần tự nhiên khác (thổ nhưỡng, sinh vật) và toàn bộ cảnh quan thay đổi theo độ cao. |
|
2.a) Các nước đang phát triển gặp khó khăn về kinh tế – xã hội khi giải quyết vấn đề môi trường? | |
– Về kinh tế: Đây là các nước nghèo, chậm phát triển, hạn chế vềnguồn vốn và kĩ thuật, công nghệ cao; thiếu lao động có kĩ thuật; gánh nợ nước ngoài lớn, hậu quả của chiến tranh và xung đột triền miên…
– Về xã hội: dân cư đông, dân số tăng nhanh, bùng nổ dân số trong nhiều năm, nạn đói, dịch bệnh, chất lượng cuộc sống thấp… -> Tất cả khó khăn trên đã làm cho vấn đề môi trường của các nước đang phát triển bị hủy hoại trầm trọng (khai thác tài nguyên thiên nhiên lãng phí, việc khai thác mà chưa chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên -> làm tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm; các công ty xuyên quốc gia lợi dụng những khó khăn về kinh tế để bóc lột tài nguyên…). |
|
b) Tại sao dân cư, nguồn lao động được coi là nguồn lực quan trọng, quyết định việc sử dụng các nguồn lực khác cho phát triển kinh tế? | |
– Dân cư, lao động với hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm, tạo ra tăng trưởng; là yếu tố đầu vào của hoạt động kinh tế.
– Dân cư, lao động đồng thời tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ, tham gia vào việc tạo nhu cầu của nền kinh tế. Quy mô và cơ cấu tiêu dùng của dân cư góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế. |
|
3. “Mặc dù gió mùa có làm đảo lộn sự ổn định của khí hậu nội chí tuyến nhưng không xoá nổi tính chất nóng ẩm của khí hậu nước ta”. Em hãy làm rõ nhận định trên. | |
– Khí hậu nội chí tuyến được thể hiện qua: nhiệt độ cao, bức xạ lớn, gió tín phong hoạt động thường xuyên, ổn định, lượng mưa trung bình, phân mùa chủ yếu theo lượng mưa nhưng không rõ rệt.
– Gió mùa làm đảo lộn sự ổn định khí hậu nội chí tuyến + Biểu hiện: *Gió mùa đông bắc làm nền nhiệt của nước ta bị hạ thấp, đặc biệt là ở miền Bắc với 2-3 tháng có nhiệt độ dưới 180C, làm xuất hiện frông và tạo ra nhiều kiểu thời tiết không đặc trưng ở vùng nội chí tuyến (dẫn chứng). *Gió mùa tây nam cùng với hoạt động của DHTNĐ kết hợp với địa hình đa dạng ở nước ta đã tạo ra nhiều hình thái mưa ở từng khu vực. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt so với kiểu thời tiết ở vùng nội chí tuyến. *Hoạt động của các loại gió theo mùa có hướng và tính chất trái ngược nhau tạo ra sự phân chia mùa rõ rệt (thậm chí là tương phản) và khác nhau giữa các vùng trong cả nước (dẫn chứng). *Gió mùa cũng tạo nên một số hiện tượng thời tiết bất thường (dẫn chứng) làm giảm sự ổn định của khí hậu nội chí tuyến. + Nguyên nhân: *Do vị trí nước ta nằm trong vùng hoạt động gió mùa châu Á điển hình, các loại gió mùa xuất phát ở các khu vực khác nhau, tính chất của gió mùa có sự khác biệt với gió tín phong (phân tích: Gió mùa đông bắc tạo kiểu thời tiết lạnh khô, thậm chí tuyết rơi, sương muối, rét đậm, rét hại…; Gió mùa Tây nam hoạt động cùng dải hội tụ nội chí tuyến gây mưa ngâu ở miền Bắc, mưa lớn ở miền Trung, mưa dài và lớn ở miền Nam, gây bão lụt thường xuyên hơn). *Hoạt động luân phiên của 2 loại gió mùa với hướng và tính chất trái ngược kết hợp với địa hình tạo ra sự phân mùa rất rõ rệt và khác nhau ở từng khu vực (dẫn chứng). – Gió mùa không xoá nổi tính chất nóng ẩm của khí hậu nước ta: + Biểu hiện: *Nhiệt độ trung bình năm trên cả nước là 200C (vượt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới). Kể cả khu vực chịu tác động mạnh nhất của GMĐB thì nhiệt độ TB năm vẫn trên 200C (Lạng Sơn). Tổng lượng bức xạ lớn và cân bằng bức xạ luôn dương quanh năm (dẫn chứng). *Tính chất ẩm vẫn được bảo toàn: lượng mưa trung bình 1500 – 2000mm, cân bằng ẩm dương, độ ẩm tương đới TB 80%. *Hoạt động của gió tín phong vẫn diễn ra trong cả năm, xen kẽ với các đợt gió mùa, hoạt động độc lập, ổn định ở miền Nam từ tháng 11 – tháng 4 năm sau. + Nguyên nhân: Gió mùa đông bắc chỉ hoạt động từng đợt, không liên tục và nhanh chóng bị biến tính khi xuống phía Nam. Gió mùa Tây nam hoạt động trong mùa hạ, bản chất vẫn là gió tín phong hoặc xuất phát trong vùng nội chí tuyến. |
|
4.a) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, so sánh đặc điểm sông ngòi miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. | |
* Giống nhau: Mạng lưới sông ngòi dày đặc, các hệ thống sông lớn có hướng chảy TB- ĐN, đều đổ nước ra biển Đông. Thủy chế sông ngòi theo mùa. Sông ngòi phân hóa theo lãnh thổ.
* Khác nhau – Sông ngòi miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ so với Tây Bắc và BTB + Mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, có hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. + Đặc điểm hình thái: Nhiều sông dài hơn, sông có diện tích lưu vực lớn hơn, hướng chảy chủ yếu là TB-ĐN (dc), ngoài ra một số sông có hướng vòng cung (dẫn chứng), sông nhiều phụ lưu, ít chi lưu. Phần lớn sông chảy trên vùng đồi núi thấp, một phần chảy trên vùng đồng bằng, lòng sông mở rộng, uốn khúc mạnh. + Sông nhiều nước, sông Hồng có lượng nước lớn nhận từ bên ngoài lãnh thổ, sông ngòi vùng Đông bắc lượng nước ít hơn (do chảy trên vùng núi đá vôi, lượng thấm cao), hàm lượng phù sa của sông ngòi cao. + Thủy chế theo mùa, mùa lũ từ tháng 6-10 (dẫn chứng), mùa kiệt từ tháng 11- đến tháng 4 năm sau (trùng với mùa mưa khô của vùng). – Sông ngòi miền TB và BTB + Mạng lưới sông dày đặc hơn. Có hệ thống sông lớn tiêu biểu trong vùng là s Đà, s.Mã, sông Cả. + Đặc điểm hình thái: phần lớn là sông nhỏ, ngắn dốc ở Bắc Trung Bộ. Diện tích lưu vực nhỏ hớn hơn. Sông chảy theo 2 hướng chính là TB- ĐN và hướng Tây – Đông. + Sông khá nhiều nước, phần lớn có nguồn cung cấp nước trong lãnh thổ. Thủy chế sông ngòi theo mùa nhưng có sự khác nhau giữa TB và BTB (dẫn chứng) + Sông ngòi có sự phân hóa rõ về lãnh thổ: sông ngòi vùng núi Tây Bắc và sông ngòi vùng Bắc Trung Bộ (dẫn chứng). |
|
b) Tại sao thủy chế sông ngòi nước ta theo mùa và có tính thất thường? | |
– Thủy chế theo mùa: do nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sông ngòi là nước mưa, mà chế độ mưa theo mùa (phân tích)…
– Tính thất thường do chế độ mưa thất thường và do đặc điểm hình thái của địa hình tăng cường tính thất thường của chế độ nước sông (phân tích) |
|
5.a) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, phân biệt đặc điểm mạng lưới đô thị của Trung du miền núi Bắc Bộ với vùng Đông Nam Bộ và giải thích. | |
– Phân biệt:
+ Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) có số lượng đô thị nhiều hơn, nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ, quy mô dân số ít, chức năng đô thị chủ yếu mang tính chất hành chính văn hóa (dẫn chứng). + Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) có số lượng đô thị ít hơn, nhiều đô thị lớn, quy mô dân số đô thị đông, chức năng đô thị đa dạng (dẫn chứng). – Giải thích: Sự khác nhau về đặc điểm mạng lưới đô thị giữa TDMNBB và ĐNB chủ yếu do sự khác nhau về cơ cấu đơn vị hành chính, trình độ phát triển, lịch sử phát triển của ngành công nghiệp, cơ cấu ngành công nghiệp và ngành dịch vụ… của mỗi vùng khác nhau: + TDMNBB có nhiều đơn vị hành chính hơn, công nghiệp và dịch vụ kém phát triển hơn (phân tích: thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng -> phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp luyện kim, công nghiệp năng lượng…-> hình thành nhiều điểm công nghiệp-> động lực hình thành các đô thị -> số lượng đô thị tăng; nhưng trong cơ cấu ngành công nghiệp của vùng chủ yếu là ngành công nghiệp nặng, cần ít lao động -> hạn chế việc thu hút dân cư vào các đô thị -> quy mô dân số đô thị ít; kinh tế chưa phát triển mạnh, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ -> đô thị chủ yếu mang chức năng hành chính, văn hóa là chủ yếu). + Đông Nam bộ có ít đơn vị hành chính hơn, nhưng kinh tế phát triển mạnh hơn, đặc biệt có ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh hàng đầu cả nước hình thành những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đặc biệt có nhiều ngành công nghiệp cần nhiều lao động như ngành công nghiệp CBLTTP, SXHTD… thu hút dân cư đô thị đông, tạo tiền đề hình thành các đô thị lớn, quy mô dân số đô thị đông và có chức năng kinh tế là chủ yếu. |
|
b) Tại sao đô thị hóa bền vững trở thành mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của nước ta? | |
– Hiện trạng quá trình đô thị hóa nước ta: Quá trình đô thị hóa diễn ra chậm, trình độ đô thị hóa thấp; tỷ lệ thị dân thành thị tăng nhưng còn chậm và vẫn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới; phân bố đô thị không đều trên lãnh thổ.
– Nếu đô thị hóa không bền vững, không gắn với sự phát triển kinh tế, đặc biệt quá trình đô thị hóa sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng (tình trạng thiếu việc là, vấn đề nhà ở, kết cấu hạ tầng đô thị quá tải, ô nhiễm môi trường, xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội…). – Ngược lại nếu đô thị hóa bền vững, phát triển gắn liền với quá trình công nghiệp hóa sẽ mang lại những tác động tích cực + Kinh tế: góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là công nghiệp và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… + Xã hội: tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm mức sinh và gia tăng tự nhiên, giảm tác động gây ô nhiễm môi trường. |
|
6.a) Phân tích tình hình phát triển thủy sản nước ta giai đoạn 2000 – 2015 qua bảng số liệu. | |
* Về giá trị ngành thủy sản
– Quy mô và tốc độ tăng trong giai đoạn…. + Tốc độ tăng….-> so sánh tốc độ tăng + So sánh quy mô giá trị giữa 2 ngành – Về cơ cấu giá trị ngành thủy sản * Về sản lượng thủy sản (tương tự) + Quy mô và tốc độ tăng cảu sản lượng thủy sản… + Cơ cấu sản lượng thủy sản… * Mối quan hệ giữa giá trị và sản lượng ngành thủy sản là giá thành ngành thủy sản (dẫn chứng). * Kết luận: Ngành thủy sản phát triển mạnh, trong đó ngành nuôi trồng phát triển mạnh hơn. |
|
b) Tại sao trong phát triển ngành thủy sản nước ta phải đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ? | |
* Đẩy mạnh nuôi trồng vì:
+ Chủ động được đối tượng nuôi, chủ động được thời điểm thu hoạch sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Việc đẩy mạnh nuôi trồng sẽ đảm bảo tốt hơn nguồn nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp chế biến ( nhất là chế biến để xuất khẩu). + Các sản phẩm nuôi trồng có giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn trên thị trường. Nuôi các đối tượng đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn. + Có khả năng khắc phục được một số trở ngại của thiên nhiên… Là ngành phát triển muộn hơn đánh bắt thủy sản nên còn nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích nuôi trồng. + Việc phát triển nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa điều chỉnh đáng kể đối với sự phát triển ngành khai thác thủy sản. *. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ vì: – Hiện trạng đánh bắt: chủ yếu đánh bắt ven bờ, sản lượng đánh bắt ven bờ vượt quá gấp đôi khả năng cho phép đã làm suy giảm nghiên trọng nguồn lợi ven bờ. Trong khi đó sản lượng đánh bắt xa bờ mới chỉ bằng 1/5 khả năng cho phép, tiềm năng còn rất lớn. – Việc đẩy mạnh đánh bắt xa bờ đem lại hiệu quả cao và có ý nghĩa lớn: Góp phần khai thác có hiệu hiệu quả nguồn lợi hải sản xa bờ và bảo vệ nguồn lợi ven bờ; góp phần bảo vệ và giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của nước ta. |
|
7.a) Tại sao nói việc phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển đảo có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. | |
– Nước ta có nguồn tài nguyên biển giàu có và đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển (phân tích).
– Việc phát triển tổng hợp góp phần đảm bảo khai thác hợp lí, có hiệu quả đối với các nguồn tài nguyên quý giá này: + Việc khai thác các tài nguyên biển có liên quan nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển (phân tích). + Mang lại hiệu quả cao về kinh tế như góp phần đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, tăng cường các mối quan hệ KT quốc tế, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. + Hiệu quả cao về xã hội (giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống). – Khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước (phân tích). – Góp phần chống ô nhiễm và suy thoái môi trường biển + Các thành phần của môi trường biển có quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ một thành phần thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi dây chuyền và ảnh hưởng rõ rệt đến môi trường biển. + Môi trường biển đảo rất nhạy cảm trước tác động của con người, nếu việc khai thác tổng hợp mà không được chú ý vấn đề bảo vệ môi trường có thể sẽ gây tác động tiêu cực lớn. |
|
b) Tại sao vấn đề bảo vệ và phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ? | |
Phát triển và bảo vệ rừng ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ vì:
– Hiện trạng tự nhiên các tỉnh cực Nam Trung Bộ + Khí hậu khô hạn, lượng mưa thấp nhất cả nước (dẫn chứng) + Hiện tượng sa mạc hóa của khu vực đang có xu thế mở rộng (phân tích) – Ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng + Giữ nước, tăng lượng nước ngầm, kiểm soát hiện tượng sa mạc hóa tốt hơn. + Cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống dân cư. |