Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt tới 62,4 tỷ USD.
Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đối mặt với những thách thức lớn như sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu khác; các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe và tác động từ biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, với chiến lược tập trung vào chất lượng, giá trị gia tăng và đa dạng hóa thị trường nên Việt Nam không chỉ đạt được kết quả ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới.
Kỷ lục xuất khẩu của các ngành hàng
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh và quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa, tổ yến…
Lâm nghiệp tiếp tục dẫn đầu trong các nhóm ngành hàng về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2024 ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 16,3 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu của toàn ngành lâm nghiệp năm 2024 lên tới khoảng 14,4 tỷ USD.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2024. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu cả năm là mặt hàng ghế khung gỗ, tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; dăm gỗ; đồ nội thất phòng ngủ; gỗ, ván và ván sàn; đồ nội thất nhà bếp.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo Cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu tăng cao và hàng tồn kho giảm tại thị trường này.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng do các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm gỗ Việt Nam. Ngoài ra, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Những thị trường này không chỉ có nhu cầu cao, mà còn đòi hỏi các sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, thiết kế và tính bền vững.
Một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng đã có đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu năm 2024 là thuỷ sản. Dù đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, logistics cũng như nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn về đích ấn tượng với 10 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngay từ đầu năm 2024 các doanh nghiệp và địa phương đã tập trung mở cửa thị trường, trong đó VASEP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để mở thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu… Điều này đã tác động đáng kể đến các thị phần xuất khẩu, từ đó đạt được giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD.
Không chỉ lâm sản và thuỷ sản, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của đạt những kết quả ấn tượng. Xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD, trong đó sầu riêng, dừa và các loại trái cây nhiệt đới tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc và các quốc gia khác.
Xuất khẩu gạo đạt 5,7 tỷ USD nhờ chất lượng và giá bán tăng, giữ vững vị thế hàng đầu thế giới. Càphê mang về 5,2 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng nhờ giá trị gia tăng từ càphê chế biến và nhu cầu từ thị trường EU. Xuất khẩu hạt điều hướng tới đạt 4,3 tỷ USD, giữ vững vị trí hàng đầu thế giới với sản phẩm chế biến sâu.
Các sản phẩm chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao
Nhìn lại những thành tích nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm qua, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh năm 2024, Việt Nam ghi nhận thành công vượt bậc trong xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch cao.
“Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đạt giá trị xuất siêu 18,6 tỷ USD, phản ánh sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng. Những kết quả này khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và khả năng cạnh tranh quốc tế của nông sản Việt Nam,” ông Hiếu nói.
Năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của quốc gia. Bên cạnh việc củng cố các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam đã nỗ lực khai thác các thị trường mới tại Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và Nam Á. Đây là các khu vực tiềm năng với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao như gạo, cà phê, sầu riêng, cá tra và tôm.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, MSC và chứng nhận về nguồn gốc gỗ hợp pháp giúp sản phẩm Việt Nam nâng cao giá trị cạnh tranh và tạo lòng tin với người tiêu dùng quốc tế.
Sự chuyển dịch quan trọng trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như trái cây đóng hộp, thủy sản đông lạnh và gỗ chế biến, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng cao cấp tại các nước phát triển. Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhờ đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường EU và Hoa Kỳ.
Trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các doanh nghiệp đã tích cực tổ chức các hội chợ quốc tế, chương trình quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, qua đó giới thiệu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, sầu riêng, hạt điều và thủy sản chế biến. Các nền tảng thương mại điện tử và công nghệ số được tận dụng để mở rộng kênh tiêu thụ, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu.
Năm 2025 là năm được đánh giá là cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt kỷ lục rồi, có sự đột phá nhưng làm sao để phát triển bền vững. Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng, hai vấn đề này phải luôn duy trì song song với nhau.”
Theo ông Nam, chính những người nông dân – lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng bởi xu hướng của thế giới là ngày càng quan tâm tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Nguồn: Vietnamplus