Khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ cao xuống thấp sẽ tạo ra lũ. Lũ gây ngập lụt, tàn phá địa hình, cướp đi tài sản và cả tính mạng người dân. Lũ là hiện tượng thiên nhiên gây tác hại lớn, có thể cảnh báo trước. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lũ lại ập đến bất ngờ, nhất là lũ quét và lũ ống.
Lũ quét
Lũ quét hình thành không chỉ từ những cơn mưa dông, bão tố, băng tuyết trên núi tan chảy một cách đột ngột; mà nó còn đến do con người: đó là khi những hồ chứa nước trên cao, những đập ngăn nước làm thủy điện bị vỡ, xả nước hồ thủy điện, thủy lợi không đúng cách. Lúc đó, một lượng nước khổng lồ bất thần ập đến với sức mạnh khủng khiếp. Câu “nhất thủy, nhì hỏa” rất chính xác trong trường hợp này.
Sức tàn phá của những trận lũ quét là vô cùng khủng khiếp, đặc biệt khi độ dốc lớn và dòng chảy không bị ngăn trở nhiều. Trong khi nhiều cánh rừng trơ trọi do cây cối bị đốn hạ, thì dòng chảy của lũ quét càng nhanh, mạnh, nên sức tàn phá càng lớn. Nó cuốn phăng mọi trở lực trên đường, kể cả nhà cửa. Lũ quét thường xuất hiện ở những nơi gần đồi núi, chảy tràn vào các thung lũng.
Trong vòng từ 1 đến 6 giờ đồng hồ bung phá, sức nước lũ quét là hết sức nguy hiểm. Khi lũ quét xuất hiện, giao thông đình trệ, vì lúc đó rất dễ xảy ra tai nạn. Đáng chú ý, khi dòng nước mãnh liệt tuôn chảy từ trên cao xuống, gặp lực cản lớn, khối lượng nước khổng lồ với tốc độ cao sẽ bị dội ngược lại thành một vòng trước khi có thể chảy tiếp làm cho mực nước dâng nhanh hơn và trở nên nguy hiểm. Nước bị dội lại, va vào dòng nước đang đổ về tạo ra nhiều xoáy nước hút mọi thứ xung quanh, hết sức nguy hiểm.
Ít ai ngờ rằng, năm 1998, một trận lũ quét tràn qua thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đã xóa sổ cả bản Mường Lay. Nói vậy để thấy, lũ quét hết sức nguy hại và khó lường.Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong vòng 10 năm, cả nước có khoảng 317 trận lũ quét. Như vậy, lũ quét xảy ra ngày một nhiều, nhất là ở miền núi phía Bắc. Cũng trong khoảng thời gian đó, có chừng gần 1.000 người chết, gần 700 người bị thương. Mới đây nhất, trận lũ quét kinh hoàng rạng sáng nay 5-8 tại tỉnh Lào Cai đã làm 4 người ở huyện Bát Xát bị chết), 7 người mất tích (3 người ở huyện Bát Xát, 1 người ở huyện Sapa). Ở huyện Bát Xát, lũ quét đã làm 110 nhà dân xã Cốc San bị ngập sâu từ 70cm đến 1m, 30 hộ dân xã Quang Kim và 16 hộ dân xã Phìn Ngan bị cô lập, 20 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1 cầu treo ở thôn Sủng Hoảng (xã Phìn Ngan) bị cuốn trôi.
Lũ ống
Đó là hiện tượng thiên nhiên xảy ra trong mùa mưa và chỉ có ở miền núi. Trước đây, người ta coi lũ quét và lũ ống là một, nhưng sau này giới khoa học chuyên ngành đã tách biệt hai loại lũ này.
Thường thì lũ ống chỉ xảy ra trên các lưu vực nhỏ, miền núi, nơi có địa hình khép kín bởi các dãy núi cao bao quanh. Chúng thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng (dạng ống, nên gọi là lũ ống). Về bản chất, lũ ống cũng giống như các loại lũ khác, có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống đột ngột, sức tàn phá lớn đối với hạ lưu.
Đáng chú ý, sự tàn phá của lũ ống cũng rất nguy hiểm, là do khi nước ở trên cao dồn về, bị nghẽn lại, sau đó tạo thành dòng rất mạnh đổ tràn ra. Khi xuất hiện lũ ống cũng có nghĩa là sẽ có dòng nước xiết cùng những xoáy nước vô cùng nguy hiểm.
Lũ ống gây nguy hại cả cho phía trên và phía dưới eo thắt. Vùng trên của lũ thì bị tàn phá bởi nước dâng cao và tồn đọng lâu, phần dưới lại phải chịu những đợt nước xiết.
Cũng cần lưu ý một điều, thời gian qua đã có không ít trường hợp gây lũ, tàn phá nhà cửa, hoa màu của người dân lại chính từ những công trình trong vùng. Trong đó phải kể đến việc dòng suối bị ngăn làm ao nuôi cá. Khi nước từ trên núi đổ xuống, nhất là khi chịu tác động của hoàn lưu bão thì chính các bờ ngăn này đã bị phá vỡ, nước cuốn đi tất cả đổ xuống hạ lưu, gây thiệt hại rất lớn. Vì thế, việc bảo đảm an toàn, không làm cản trở dòng chảy tự nhiên khi nuôi cá trong suối là điều rất cần được lưu ý.
Trong một trận lũ ống xảy ra cách đây không lâu ở thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên), nguyên nhân chính là do một gia đình ở khối Huổi Củ đắp đất ngăn khe suối làm ao thả cá. Khi nước về, bờ bao bị vỡ, cả nhà cửa lẫn xe máy, trâu, bò, heo, gà đều bị cuốn phăng. Khe Huổi Củ vốn là một dòng suối, nhưng rồi người dân lấn chiếm làm công trình nên bị ngăn dòng chảy. Chỉ một đêm mưa lớn, rạng sáng hôm sau hàng loạt ao bị vỡ. Toàn bộ nước đổ xuống khu vực Tân Tiến gây nên lũ ống. Nói như một vị cán bộ khối Huổi Củ thì thiên tai là một lý do, nhưng tai họa nhiều khi do con người tạo ra.
Nguồn: Thế Tuấn – báo Đại đoàn kết