Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của vùng biển Việt Nam trên Biển Đông được thể hiện rõ thông qua đặc điểm các yếu tố khí hậu (chế độ nhiệt, mưa, gió), hải văn (độ muối, dòng biển, thủy triều, sóng biển) và sinh vật biển.
Các yếu tố khí hậu
Chế độ nhiệt
– Nhiệt độ trung bình của tầng mặt nước biển cao, vào khoảng 23℃; do vị trí vùng biển nằm chủ yếu trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc.
– Nhiệt độ trung bình của tầng mặt nước biển biến động theo mùa, mùa hạ có nhiệt độ tăng lên, mùa đông có nhiệt độ hạ thấp; chủ yếu do vùng biển nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu gió mùa; ngoài ra còn do ảnh hưởng của chuyển động biểu kiến hàng năm của Mặt Trời.
– Biên độ nhiệt độ trung bình năm thấp hơn so với các vùng biển ở vĩ độ cao và thấp hơn so với trên đất liền. Vùng biển Việt Nam không bị đóng băng trong mùa đông.
Chế độ mưa
Vùng biển có lượng mưa trung bình khá lớn, đạt từ 1100 đến 1300 mm/năm, mang đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa.
Chế độ gió
– Chế độ gió trên Biển Đông thay đổi theo mùa, trong năm có hai mùa gió với tính chất và hướng gió trái ngược nhau: mùa gió mùa hạ và mùa gió mùa đông.
– Trên biển, gió mùa mùa đông chiếm ưu thế trong 7 tháng (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Gió mùa mùa hạ thổi trong các tháng còn lại, riêng ở vịnh Bắc Bộ có gió thổi hướng nam.
Các yếu tố hải văn:
Độ muối
– Độ muối của biển Việt Nam khá cao, vào khoảng 32 đến 33 ‰; do vùng biển nằm trong vùng nội chí tuyến, có nhiệt độ nước biển cao, bốc hơi mạnh, nhiều cửa sông đổ ra biển,…
– Ở ngoài khơi, độ muối cao và ổn định. Độ muối vùng biển ven bờ biến động rõ rệt theo mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa có độ muối giảm do có mưa nhiều, còn mùa khô có độ muối tăng do bốc hơi mạnh, nhiệt độ cao (ở các địa phương phía Nam).
– Độ muối có sự phân hóa theo chiều bắc – nam, rõ rệt nhất là trong mùa khô (tư tháng 11 đến tháng 4 năm sau).
Thủy triều
– Vùng biển nước ta có rất nhiều chế độ triều khác nhau.
– Trong năm, thủy triều biến động theo hai mùa lũ, cạn. Vào mùa cạn, nước triều lấn sâu vào trong đất liền do trên đất liền có mực nước sông hạ thấp, lưu lượng nước giảm, bốc hơi mạnh,…
– Thủy triều lên cao nhất và lấn sâu nhất ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; do hai vùng đồng bằng này có địa hình thấp, nhiều cửa sông lớn.
Sóng biển
Sóng mạnh vào thời kì gió mùa Đông Bắc hoặc khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển.
Dòng biển
– Dòng biển nước ta là dòng biển chạy theo mùa, ứng với hai mùa gió và mang tính chất khép kín.
– Dòng biển vào mùa hạ chạy theo hướng tây nam. Dòng biển vào mùa đông chạy theo hướng đông bắc.
Sinh vật biển:
– Tài nguyên sinh vật biển giàu có, phong phú, đa dạng về thành phần loài (2000 loài cá, trong đó có 100 loài có giá trị kinh tế; 1647 loài giáp xác, hơn 100 loại tôm, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy,…), tiêu biểu cho vùng biển nhiệt đới giàu thành phần loài và năng suất sinh học cao. Nhiều loài có trữ lượng lớn và giá trị cao như hải sâm, sò huyết, đồi mồi,… Quanh các đảo, quần đảo lớn có các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật biển khác; trên các đảo đá ở ven bờ Khánh Hòa có các tổ yến.
– Hệ sinh thái vùng ven biển cũng rất đa dạng và giàu có, bao gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng trên đất phèn và hệ sinh thái rừng trên các đảo.
Dương Phương – Địa lí thầy Tùng.
Bài viết thuộc Phòng Chuyên môn của Địa lí thầy Tùng. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý.
________________________________________
Kết nối với thầy Tùng qua:
- Fanpage: Địa lí thầy Tùng
- Facebook: Tùng Đàm
- Group: Luyện thi THPT Quốc gia môn Địa thầy Tùng
- Youtube: Địa lí thầy Tùng
- Tiktok: @dialithaytung