Dài hơn 1.100 km, dãy núi Trường Sơn là một trong những khối núi lớn nhất thế giới. Dãy núi chạy qua 21 tỉnh, thành của nước ta, được xem là “xương sống” của bán đảo Đông Dương.
Khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả đến giáp miền Đông Nam Bộ, dãy núi Trường Sơn có chiều dài hơn 1.100 km, với tổng diện tích khoảng 22 triệu ha. Từ lâu, dãy núi này được xem là “xương sống” của bán đảo Đông Dương hay “Đệ nhất thiên nhiên Đông Dương”.
Dãy núi này nằm giữa 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia với hai vùng chính Bắc và Nam Trường Sơn. Đây cũng là một trong những dãy núi lớn trên thế giới.
Theo Atlat Địa lý Việt Nam, dãy Trường Sơn chạy qua 21 tỉnh, thành của nước ta như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…
Tô điểm cho sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn là những khối núi lớn thuộc hàng bậc nhất Đông Dương như: Hoành Sơn, Bạch Mã, Giăng Màn, Kẻ Bàng, An Khê, Ngọc Linh, Chư Yang Sin…
Với những ngọn núi cao ngất trời như: Pu Xai Lai Leng (nằm trên biên giới Việt – Lào, thuộc địa phận tỉnh Nghệ An), Rào Cỏ (biên giới Việt – Lào, tỉnh Hà Tĩnh), Động Ngài, Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam)…
“Nóc nhà” của Trường Sơn Nam là dãy Ngọc Linh với đỉnh cao nhất 2.598 m. Dãy núi này là một phần lớn của Trường Sơn Nam, nằm trên cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên, thuộc địa phận các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai.
Với địa hình hiểm trở, kéo dài từ Bắc tới Nam, cắt ngang ra tận biển, dãy Trường Sơn có rất nhiều cung đèo hiểm trở. Cả 3 cung đèo Hải Vân, An Khê, Sa Mù đều nằm trên dãy Trường Sơn.
Dãy núi này còn là đường phân thủy của hai hệ thống: Sông Sê San chảy sang phía Tây, góp nước cho dòng Mê Kông và hệ thống khác chảy sang phía Đông, đổ ra biển Đông gồm sông Cái, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba.
Phần Bắc của dãy núi này (từ sông Cả đến đèo Hải Vân) cũng tạo ra hiệu ứng “phơn” với hiện tượng gió Lào điển hình, và khác hẳn phần phía Nam bởi mùa đông lạnh, từ đó quyết định đến hệ động thực vật đặc thù của Bắc Trường Sơn.
Nguồn: Thùy Linh báo Kinh tế Môi trường